A. Tổng quan về suy, giãn tĩnh mạch chi dưới:
+ Suy giãn tĩnh mạch ở chi dưới: Chi dưới có 2 loại tĩnh mạch là tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu.
– Tĩnh mạch nông nằm ở dưới da, có thể nhìn thấy. Giãn tĩnh mạch là nói đến tĩnh mạch nông, giãn tĩnh mạch thường có các triệu chứng như: đau phía dưới chỗ bị giãn, chân sưng phù, ngứa, có khi viêm da, nổi gân xanh ngoằn ngoèo
– Tĩnh mạch sâu nằm ở sâu trong cơ nên không nhìn thấy . Suy tĩnh mạch là nói đến tĩnh mạch sâu, suy tĩnh mạch thường có các triệu chứng như: đau nhức chân; nặng, mỏi chân nhất là về buổi chiều; sưng phù nhất là vùng mắt cá; chuột rút vể ban đêm; ngứa, cảm giác kiến bò. Các triệu chứng này sẽ giảm khi nằm nghỉ và gác chân lên cao.
+ Tỷ lệ mắc: Tại Mỹ, theo thống kê, có tới 10 – 30% người lớn mắc bệnh này, làm tiêu tốn hàng tỉ USD và hơn một triệu ngày công lao động hàng năm. Ở Việt Nam, theo thống kê của hội Tĩnh mạch học TP.HCM, tỷ lệ người bị suy tĩnh mạch mạn tính chi dưới chiếm vào khoảng 5 – 8% ở những người trưởng thành
+ Điều trị: Có 3 phương pháp điều trị chính: Thường dùng nhất là sử dụng băng (hoặc tất) chun nhằm phục hồi áp suất chênh lệch giữa hai hệ thống tĩnh mạch, giảm đường kính lòng tĩnh mạch để tăng khả năng lưu thông máu. Cách thứ hai là dùng các thuốc làm vững bền thành mạch, hoặc các thuốc làm xơ hóa lòng mạch, tiêm gây xơ tại chỗ. Phương pháp thứ ba là can thiệp ngoại khoa.
B. Phòng ngừa và chăm sóc người bị suy giãn tĩnh mạch :
1. Chế độ ăn uống: Đàm bảo khẩu phần ăn hàng ngày đủ chất dinh dưỡng, giàu vitamin đồng thời có đủ chất xơ như trái cây, rau quả tươi, ngũ cốc… để tránh bị táo bón; không nên để bị béo phì, nếu quá béo thì cần giảm trọng lượng. Đảm bảo uống đủ nước mỗi ngày (nhu cầu nước mỗi ngày cho cơ thể một người lớn là 2 lít nước).
2. Chế độ sinh hoạt:
2.1 Quần áo: không nên mặc loại quần áo chật, đặc biệt là quần chật bó sát ở vùng chậu hông, chân
2.2 Giầy dép: nên mang giầy có đế mềm và gót thấp, không nên mang giầy cao gót, nên bước đi tự nhiên sao cho trọng lượng dồn đều lên cả hai bàn chân.
2.3 Nằm, ngồi đúng tư thế: Khi nằm nên kê chân lên cao hơn mức của tim 15-20 cm tạo thuận lợi cho máu về tim qua đường tính mạch. Ghế ngồi có chiều cao phù hợp để khi ngồi hai bàn chân sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc; lưng thẳng; trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai bên mông và hai chân; không ngồi đung đưa chân, mặt dưới đùi vừa chạm mặt ghế để giảm tối đa lực ép lên mặt dưới đùi, không cản trở lưu thông máu tĩnh mạch chạy dọc mặt sau đùi; cần tránh những tư thế ngồi gây cản trở máu tĩnh mạch chân lưu thông như ngồi xổm, ngồi vắt chéo chân…
2.4 Đi lại: Nên đi bộ thường xuyên, hạn chế đi thang máy nếu có thể để có nhiều cơ hội tập cho tĩnh mạch, nếu phải đứng nhiều thì thỉnh thoảng nên chạy tại chỗ để giảm tải lên hệ thống tĩnh mạch .
2.5 Tránh mang vác, khiêng xách nặng vì sẽ làm cho máu dồn xuống chân nhiều hơn và làm cho tĩnh mạch càng bị quá tải.
2.6 Thể dục thể thao: Nên tập thể dục thường xuyên, có thể tập và chơi nhưng môn thể thao có động tác nhịp nhàng và nhẹ nhàng như, đi bộ, bơi lội, xe đạp khiêu vũ…Không nên chơi những môn thể thao có cử động mạnh và chuyển hướng đột ngột gây chấn động lên hệ tĩnh mạch chân như cử tạ, nhảy cao, nhảy xa chạy tốc, tennis, bóng đá…
2.7 Không nên xoa dầu nóng vào chân, không ngâm chân trong nước nóng vì nóng càng làm cho tĩnh mạch giãn nở, làm giảm khả năng vận chuyển máu trở về tim. Không tắm nước quá nóng, sau khi tắm xong nên xối lại chân bằng nước lạnh, nước lạnh sẽ làm co tĩnh mạch giúp cho sự chuyển máu về tim dễ dàng hơn.
C. Một số bài tập điều trị phục hồi chức năng:
-Tập luyện thường xuyên có thể làm giảm bớt giãn tĩnh mạch và đồng thời làm giảm một số triệu chứng và phòng ngừa biến chứng do giãn tĩnh mạch gây ra.
– Các động tác tập cần thực hiện đều đặn, nhẹ nhàng, hết tầm vận động; không vội vàng, không nín thở trong khi tập.
CÁC BÀI TẬP Ở TƯ THẾ NẰM
1. Gấp và duỗi khớp cổ chân:
Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, nâng chân trái lên khỏi mặt giường khoảng 30 đến 50 độ sau đó tập duỗi khớp cổ chân, rồi gấp khớp cổ chân đến mức tối đa từ 10 đến 15 lần. Đưa chân trái về tư thế ban đầu, tập tương tự như vậy đối với chân phải. Mỗi ngày tập 2 đến 3 lần
2. Xoay khớp cổ chân:
Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, nâng chân trái lên khỏi mặt giường khoảng 30 đến 50 độ sau đó tập xoay khớp cổ chân từ phải qua trái rồi từ trái qua phải 10 đến 15 lần. Đưa chân trái trở về vị trí ban đầu rồi tập tương tự như vậy đối với chân phải. Mỗi ngày tập 2 đến 3 lần
3. Bắt chéo chân
Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, sau đó nâng hai chân lên khỏi mặt giường rồi tập bắt chéo chân trái qua chân phải rồi chân phải qua chân trái luân phiên từ 10 đến 15 lần. sau đó đưa hai chân trở lại vị trí ban đầu trên mặt giường. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần
4. Đạp xe đạp
Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, nâng hai chân lên khỏi mặt giường, gấp khớp háng và khớp gối sau đó tập như là đạp xe đạp với cả hai chân từ 10 đến 15 lần. Sau đó đưa hai chân trở lại vị trí ban đầu trên mặt giường. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần
CÁC BÀI TẬP Ở TƯ THẾ NGỒI TRÊN GHẾ
1. Nâng cẳng chân:
Người tập ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp để hai bàn chân sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc; lưng thẳng; trọng lượng cơ thể dồn đều lên hai mông và hai chân. Sau đó tập luân phiên nâng bàn chân phải lên khỏi sàn nhà, duỗi thẳng chân phải, rồi đưa chân phải về vị trí ban đầu, tập tương tự với chân trái, mỗi chân từ 10 đến 15 lần, sau đó tập với cả hai chân như vậy. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần
2. Nhón gót chân:
Người tập ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp như bài tập ở trên sau đó thực hiện tập nhón gót chân (nâng chân lên cho đến khi khớp cổ chân duỗi thẳng chỉ còn các đầu ngón chân sát sàn nhà rồi đưa trở lại vị trí bắt đầu) luân phiên chân trái rồi chân phải, sau đó là cả hai chân cùng một lúc, tập từ 10 đến 15 lần như vậy. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.
3. Gấp và duỗi khớp cổ chân:
Người tập ngồi trên ghế như trên sau đó nâng chân trái lên khỏi sàn nhà, duỗi thẳng rồi tập gấp và duỗi khớp cổ chân trái đến mức tối đa (hết tầm vận động) từ 10 đến 15 lần sau đó đưa chân trái về vị trí ban đầu , tập tiếp như vậy đối với chân phải từ 10 đến 15 lần. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần
4. Xoay khớp cổ chân:
Người tập ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt trên sàn nhà cách nhau khoảng 20 cm ,sau đó nâng mũi bàn chân phải lên khỏi sàn nhà chỉ có gót chân sát trên sàn nhà rồi tập xoay khớp cổ chân vào trong, ra ngoài từ 10 đến 15 lần, rồi tập tương tự như vậy đối với chân trái và cả hai chân. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần.
5. Bước luân phiên hai chân tại chỗ:
Người tập ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt trên sàn nhà, sau đó tập bước chân trái lên phía trước đặt gót chân trái trên sàn nhà, rồi nâng chân phải lên để mũi chân phải sát sàn nhà, sau đó chuyển chân trái ra sau đặt mũi chân trái sát sàn nhà, bước chân phải lên trước, gót chân phải sát sàn nhà luân phiên như vậy từ 10 đến 15 lần cho mỗi chân. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần
6. Gấp, duỗi luân phiên hai chân:
Người tập ngồi trên ghế sau đó luân phiên nhấc từng chân lên khỏi sàn nhà, gấp
khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng rồi duỗi thẳng chân đó ra, đưa trở lại vị trí ban đầu, tiếp tục tập như vậy 10 đến 15 lần, tập tương tự như vậy với chân còn lại. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần
Nếu phải ngồi lâu, từ 30 phút đến 1 giờ bạn nên thực hiện các động tác tập 1 lần.
CÁC BÀI TẬP Ở TƯ THẾ ĐỨNG
1. Gấp và duỗi khớp cổ chân:
Bệnh nhân đứng, nhấc một chân lên khỏi sàn nhà rồi tập gấp, duỗi khớp cổ chân đến mức tối đa từ 10 đến 15 lần. Đứng trở lại tư thế ban đầu, nhấc chân kia lên khỏi sàn nhà và thực hiện các bài tập như với chân đã làm. Mỗi ngày tập 2 đến 3 lần
2. Xoay khớp cổ chân:
Bệnh nhân đứng, nhấc một chân lên khỏi sàn nhà, duỗi thẳng chân đó rồi tập xoay khớp cổ chân từ trong ra ngoài rồi từ ngoài vào trong 10 đến 15 lần, sau đó đưa chân về vị trí ban đầu trên sàn nhà và tiếp tục tập như vậy đối với chân còn lại. Mỗi tuần tập từ 2 đến 3 lần
3. Nhấc cao chân bước tại chỗ:
Bệnh nhân đứng sau đó tập bước tại chỗ 15 đến 20 bước bằng cách tạo các bước chân cao hơn so với bước đi thông thường. Mỗi ngày tập 2 đến 3 lần
4. Ngồi xuống và đứng lên nhón gót chân:
Bệnh nhân đứng thẳng có thể vịn vào một vật gì đó bện cạnh để đỡ nếu cần, sau đó ngồi xuống giống như ngồi xổm được khoảng một nửa thì lại đứng thẳng lên, rồi nhón gót để đứng trên đầu các ngón chân, rồi sau đó ngồi xuống, làm lại từ 10 đến 15 lần. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần
5. Bước đi bằng mũi bàn chân:
Bệnh nhân đứng thẳng sau đó nâng hai gót chân lên để đứng bằng mũi bàn chân, rồi bước đi khoảng 15 đến 20 bước bằng mũi bàn chân (đi nhón gót). Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần như vậy
6. Bước đi bằng gót chân:
Bệnh nhân đứng thẳng sau đó nâng hai mũi bàn chân lên để đứng bằng hai gót chân, rồi bước đi khoảng 15 đến 20 bước bằng gót chân. Mỗi ngày tập từ 2 đến 3 lần như vậy
Nếu phải đứng lâu từ 30 phút đến 1 giờ, bạn nên thực hiện các động tác tập trên 1 lần
Các loại tập khác:
Ngoài các bài tập kể trên, các hình thức tập luyện như bơi lội, đi bộ, đi bộ nhanh, chạy bộ, tập aerobics, khiêu vũ, cũng rất tốt cho sức khỏe cũng như tốt cho hệ mạch máu.