I. ĐỊNH NGHĨA :
Dòng điện xung là dòng điện do nhiều xung động điện liên tiếp tạo ra. Xung động điện là do một dòng điện không liên tục tạo ra, một thời gian ngắn có dòng điện xen kẽ với một thời gian ngắn không có dòng điện. Có các dòng điện xung một chiều và dòng điện xung xoay chiều.
II. MỤC ĐÍCH :
- Kích thích co cơ.
- Giảm co cứng cơ.
- Tăng cường tuần hoàn dinh dưỡng của cơ.
- Chống viêm.
III. CHỈ ĐỊNH :
- Giảm đau : đau do chấn thương, đau do các viêm mạn tính như viêm khớp dạng thấp, viêm rễ, dây thần kinh, tổn thương rễ thần kinh như hội chứng cổ vai cánh tay, hội chứng thắt lưng hông, đau thần kinh liên sườn. Giảm đau trong bệnh Zô-na thần kinh rất tốt.
- Kích thích hồi phục dẫn truyền thần kinh cơ. Các bệnh lý teo cơ, bại liệt, liệt do tổn thương thần kinh ngoại vi…
- Làm giảm phù nề do chấn thương
- Điều hòa rối loạn tuần hoàn ngoại vi (do lạnh, ứ trệ tĩnh mạch, bệnh Raynaud, chấn thương…)
- Kích thích cơ trơn và cơ vân bị bại liệt : các trường hợp giảm trương lực cơ, giãn dạ dày, rối loạn vận đông bàng quang, táo bón do hội chứng ruột kích thích…
- Chống viêm trong các viêm không có nhiễm khuẩn
IV. CHỐNG CHỈ ĐỊNH :
1. Chống chỉ định tuyệt đối :
– Vùng đang có chảy máu hoặc đe dọa chảy máu
– Các khối u, kể cả u lành và u ác tính
– Các ổ viêm cấp do nhiễm khuẩn, viêm đang tạo mủ
– Lao xương, lao ở khớp
– Viêm tắc động mạch, tĩnh mạch
– Người mang máy tạo nhịp tim
2. Chống chỉ định tương đối :
– Trẻ nhỏ (do không kiểm soát được)
– Người rối loạn tâm thần
– Vùng da đặt điện cực sây xát hoặc có bệnh ngoài da
– Phụ nữ có thai, đang hành kinh thì không điều trị ở vùng có liên quan trực tiếp hoặc vùng gây phản xạ co thắt tử cung (vùng bụng, vùng thắt lưng và xương cùng).
V. NGƯỜI THỰC HIỆN : Kỹ thuật viên đã được đào tạo và thành thạo kỹ thuật
VI. CHUẨN BỊ:
1. Dụng cụ:
Máy Điện xung
Dây dẫn
Điện cực
Vật đệm
Dây cố định
Giường
Gối
Ghế
Khăn sạch
2. Người bệnh :
Thông báo giải thích rõ ràng, có sự thông cảm để người bệnh yên tâm và phối hợp
Kiểm tra khai thác tiền sử dị ứng của người bệnh
Đặt người bệnh ở tư thế thích hợp
VII. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN:
- Để người bệnh nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế gỗ, bộc lộ vùng điều trị.
- Kiểm tra máy, dây dẫn, nguồn điện
- Tư thế kỹ thuật viên : Đứng hoặc ngồi cạnh bệnh nhân
- Đặt hai điện cực, vật đệm cố định điện cực
- Bật máy, chọn dòng điều trị
- Đặt thời gian và điều chỉnh cường độ điều trị
- Giải thích cảm giác bệnh nhân : Rung cơ và co bóp vừa phải (dưới ngưỡng đau)
- Hỏi cảm giác bệnh nhân
- Cứ khoảng 3 phút hỏi cảm giác bệnh nhân để tăng hoặc giảm cường độ
- Hết giờ từ từ vặn cường độ về 0 và tắt máy
- Tháo vật đệm, lau khô vùng điều trị
- Dặn dò bệnh nhân, thu dọn dụng cụ
VIII. THEO DÕI SAU KHI TIẾN HÀNH KỸ THUẬT:
- Đánh giá tình trạng người bệnh sau khi điều trị
- Theo dõi phát hiện dị ứng và các dấu hiệu bất thường khác
IX. GHI CHÉP HỒ SƠ BỆNH NHÂN:
- Ngày điều trị, giờ điều trị.
- Tình trạng người bệnh trong và sau khi điều trị.
- Tên kỹ thuật viên thực hiện y lệnh
X. NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý :
Hướng dẫn người bệnh đề phòng những tai biến có thể xảy ra như : đau, khó chịu, dị ứng …nếu thấy có gì bất thường báo cáo nhân viên y tế ngay.