I. ĐỊNH NGHĨA :
Dòng điện cao tần là dòng điện xoay chiều có tần số trên 20.000 Hz.
II. MỤC ĐÍCH :
Tạo tác dụng của điện từ trường cao tần lên cơ thể dựa trên nền tảng cơ bản là làm tăng nhiệt tổ chức và kích thích gây ra các hiệu ứng sinh học.
III. CHỈ ĐỊNH :
- Chống viêm : các viêm nhiễm khuẩn và viêm không nhiễm khuẩn như viêm quanh khớp vai, viêm bao hoạt dịch, viêm khớp, viêm cơ, viêm màng xương, viêm da, viêm cơ quan nội tạng, mụn nhọt, chắp, lẹo…
- Giảm đau do viêm thần kinh ngoại vi, co cứng cơ.
- Điều trị các rối loạn tuần hoàn cục bộ : co mạch ngoại vi, thiếu máu cục bộ, co thắt đường tiêu hóa, co thắt túi mật, co thắt vòi trứng.
- Chấn thương : đụng giập phần mềm, phù nề sau chấn thương hoặc phẫu thuật, kích thích quá trình lành vết thương.
IV. CHỐNG CHỈ ĐỊNH :
1. Chống chỉ định tuyệt đối :
Các khối u ác tính hoặc lành tính, tăng sản tổ chức.
Người có mang máy điều hòa nhịp tim.
Lao chưa ổn định.
Phụ nữ có thai.
Những vùng chảy máu và đe dọa chảy máu.
2. Chống chỉ định tương đối :
Người mẫn cảm với điện từ trường cao tần.
Vùng điều trị có dị vật là kim loại như : mảnh đạn, phương tiện kết xương bằng kim loại.
Các bệnh nhân bị suy tim nặng, loạn nhịp tim.
Những ổ viêm đã hóa mủ, tràn dịch các màng như : màng ngoài tim, màng phổi…
V. NGƯỜI THỰC HIỆN : Kỹ thuật viên đã được đào tạo và thành thạo kỹ thuật
VI. CHUẨN BỊ:
1. Dụng cụ:
- Máy sóng ngắn
- Kính bảo vệ mắt
- Dây dẫn
- Điện cực
- Giường
- Gối
- Ghế
- Bút thử điện
2. Người bệnh :
- Thông báo giải thích rõ ràng, có sự thông cảm để người bệnh yên tâm và phối hợp
- Kiểm tra khai thác tiền sử dị ứng sóng ngắn của người bệnh
- Đặt người bệnh ở tư thế thích hợp
- Đeo kính bảo vệ mắt
VII. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN:
- Kiểm tra đèn điện, dây dẫn, nguồn điện
- Để người bệnh nằm trên giường hoặc ngồi trên ghế gỗ, bộc lộ vùng điều trị
- Tư thế kỹ thuật viên : Đứng hoặc ngồi cạnh bệnh nhân
- Đặt hai điện cực đối diện song song với mặt da vùng điều trị với khoảng cách tường 2 -4 cm
- Bật máy, chọn dạng sóng, thời gian, cường độ điều trị
- Thử đèn phát sáng và điều chỉnh cường độ
- Giải thích cảm giác bệnh nhân : Cảm giác ấm vừa phải là được
- Cứ khoảng ba phút kiểm tra máy và bệnh nhân một lần
- Hết giờ vặn cường độ về 0 và tắt máy, di chuyển điện cực ra
- Dặn dò bệnh nhân, thu dọn dụng cụ.
VIII. THEO DÕI SAU KHI TIẾN HÀNH KỸ THUẬT:
- Đánh giá tình trạng người bệnh sau khi điều trị
- Theo dõi phát hiện dị ứng và các dấu hiệu bất thường khác
- Nếu có bất thường xử trí kịp thời theo đúng phác đồ, báo cáo bác sỹ
IX. GHI CHÉP HỒ SƠ BỆNH NHÂN:
- Ngày điều trị, giờ điều trị.
- Tình trạng người bệnh trong và sau khi điều trị.
- Tên kỹ thuật viên thực hiện y lệnh
X. NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý :
Hướng dẫn người bệnh đề phòng những tai biến có thể xảy ra như : bỏng sâu, dị ứng… nếu thấy có gì bất thường báo cáo nhân viên y tế ngay.