Kỹ thuật kéo giãn cột sống bằng máy kéo


I.
 ĐỊNH NGHĨA :

  • Là phương pháp dùng lực cơ học tác động theo chiều dọc của cột sống nhằm làm giãn nở khoảng cách các khoang gian đốt để đem lại hiệu quả điều trị.

II. MỤC ĐÍCH :

1. Mục đích cơ học:

 – Làm giãn cơ tích cực: trong bệnh lý đau cột sống, sự kích thích rễ thần kinh và đau làm cơ co cứng phản xạ, sự co cứng co tác động trở lại làm cho đau càng trầm trọng hơn. Kéo giãn cột sống trước tiên lực sẽ tác động lên cơ gây giãn cơ thụ động, giảm co cứng cơ và cắt đứt vòng xoáy bệnh lý đau. Tuy nhiên nếu khi kéo nếu tăng giảm lực quá nhanh có thể gây kích thích làm tăng co cơ, do đó cần tăng giảm lực từ từ đặc biệt là trong bệnh lý đau cấp.

– Làm giảm áp lực nội đĩa đệm: lực kéo giãn dọc theo cột sống sẽ tác động vào nhiều điểm khác nhau của đoạn cột sống làm các khoang đốt được giãn rộng và có thể cao thêm trung bình 1,1mm, làm áp lực nội đĩa đệm giảm, và dẫn đến hệ quả là:

+ Làm tăng thẩm thấu nuôi dưỡng đĩa đệm, giúp nhân nhày và đĩa đệm căng phồng trở lại, tăng dinh dưỡng cho đĩa đệm do đó làm giảm quá trình thoái hóa của đĩa đệm.

+ Có thể giúp thu nhỏ thể tích đĩa đệm bị lồi hoặc thoát vị nếu khối thoát vị chưa bị xơ hóa.

Tuy nhiên cần chú ý nếu kéo với lực quá lớn, thời gian quá dài làm áp lực nội đĩa đệm giảm quá nhiều dẫn đến tăng thẩm thấu dich vào đĩa đệm có thể gây phù nề đĩa đệm làm đau tăng.

– Điều chỉnh sai lệch của khớp đốt sống và cột sống: trong thoái hóa hoặc thoát vị đĩa đệm do chiều cao khoang gian đốt giảm làm di lệch diện khớp đốt sống. Sự di lệch này tuy nhỏ nhưng nó sẽ thúc đẩy quá trính thoái hóa và kích thích gây đau tăng lên. Kéo giãn cột sống làm điều chỉnh di lệch, tăng tính linh hoạt của khớp đốt sống và giải phóng sự khóa cứng của các khớp đốt sống.

– Giải phóng sự chèn ép lên các rễ và dây thần kinh sống: do làm tăng kích thước lỗ tiếp hợp, giảm thể tích khối thoát vị… từ đó làm giảm kích thích rễ và giảm đau.

2. Mục đích điều trị:

– Giảm đau: do làm giãn cơ, giảm áp lực nội đĩa đệm làm tăng cường nuôi dưỡng đĩa đệm, giải phóng chèn ép rễ thần kinh, tăng nuôi dưỡng cục bộ.

– Tăng tầm vận động của đoạn cột sống bị hạn chế, khôi phục lại hình dáng giải phẫu bình thường của cột sống.

– Tạo điều kiện thuận lợi cho đĩa đệm mới bị thoát ở mức độ nhẹ và vừa có thể trở lại vị trí cũ.

III. CHỈ ĐỊNH :

– Thoái hóa cột sống thắt lưng và cột sống cổ.

– Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng và cột sống cổ mức độ nhẹ và vừa.

– Hội chứng đau thắt lưng mạn tính.

– Hội chứng đau cổ – gáy hoặc hội chứng cổ – vai mạn tính.

– Hội chứng cong vẹo cột sống không cấu trúc.

IV. CHỐNG CHỈ ĐỊNH :

– Chống chỉ định tuyệt đối:

+ Một số bệnh vùng cột sống như ung thư, lao, viêm tấy, áp xe vùng thắt lưng, vùng cổ gáy.

+ Hội chứng đau thắt lưng, đau cột sống cổ cấp tính.

+ Chấn thương gây gãy, xẹp lún, trượt thân đốt sống.

+ Bệnh lý tủy sống và ống sống.

+ Loãng xương mức độ nặng.

+ Thoái hóa cột sống có các gai xương lớn.

+ Viêm cột sống dính khớp.

+ Hội chứng cột sống thắt lưng, cột sống cổ do viêm khớp dạng thấp.

+ Bệnh nhân có tạng trong ổ bụng to (gan, lách, thận, người có thai) không kéo giãn cột sống thắt lưng.

– Chống chỉ định tương đối:

+ Bệnh nhân suy tim, suy gan, suy thận nặng hoặc tình trạng toàn thân nặng.

+ Bệnh nhân đang sốt, tăng huyết áp không kiểm soát được.

+ Trẻ em, bệnh nhân tâm thần.

V. NGƯỜI THỰC HIỆN : Kỹ thuật viên đã được đào tạo và thành thạo kỹ thuật

VI. CHUẨN BỊ:

1. Dụng cụ:

 – Máy kéo giãn cột sống, hệ thống bàn kéo và các phụ kiện khác như đai kéo, đai cố định.

– Kiểm tra các thông số kỹ thuật của máy.

2. Người bệnh :

– Giải thích cho bệnh nhân yên tâm và thư giãn hoàn toàn trong thời gian kéo.

– Chọn tư thế ngồi hoặc nằm theo chỉ định kéo giãn cột sống cổ hay cột sống thắt lưng.

– Hướng dẫn người bệnh sử dụng công tắc an toàn.

VII. CÁC BƯỚC THỰC HIỆN:

  1. Cố định đai kéo tùy vùng điều trị theo đúng chỉ định.
  2. Đặt các thông số trên máy tùy theo chỉ định: lực kéo, thời gian duy trì lực kéo, lực nền, thời gian duy trì lực nền, độ dốc, tổng thời gian một lần kéo.
  3. Đối với kéo giãn cột sống thắt lưng: lực nền bằng 50-55% trọng lượng cơ thể bệnh nhân, lực kéo lần đầu bằng lực nền cộng 5kg, các lần kéo sau mỗi lần tăng 1kg khi đạt 70% trọng lượng cơ thể bệnh nhân thì duy trì ở lực này cho đến hết đợt kéo. Thời gian duy trì lực nền và lực kéo <60s (trung bình 30 – 50s). Độ dốc (thời gian tăng giảm lực giữa lực nền và lực kéo) để ở mức trung bình, nếu đau nhiều thì thay đổi lực chậm hơn, nếu ít đau có thể thay đổi lực nhanh hơn. Thời gian một lần kéo trung bình 20 phút.
  4. Đối với kéo giãn cột sống cổ: lực nền không quá 10% trọng lượng cơ thể bệnh nhân, lực kéo không quá 30% trọng lượng cơ thể bệnh nhân, các thông số khác như với kéo cột sống thắt lưng.
  5. Bấm nút kéo.
  6. Theo dõi cảm giác và phản ứng của bệnh nhân trong quá trình kéo, tình trạng hoạt động của máy.
  7. Kết thúc điều trị: tháo bỏ đai cố định, cho bệnh nhân nằm nghỉ tại chỗ 10 – 15 phút, ghi chép hồ sơ.

VIII. THEO DÕI SAU KHI TIẾN HÀNH KỸ THUẬT:

  • Đánh giá tình trạng người bệnh sau khi điều trị
  • Theo dõi phát hiện dị ứng và các dấu hiệu bất thường khác
  • Nếu có bất thường xử trí kịp thời theo đúng phác đồ, báo cáo bác sỹ

IX. GHI CHÉP HỒ SƠ BỆNH NHÂN:

  • Ngày điều trị, giờ điều trị.
  • Tình trạng người bệnh trong và sau khi điều trị.
  • Tên kỹ thuật viên thực hiện y lệnh

X. NHỮNG ĐIỂM CẦN LƯU Ý 

1. Tai biến

– Đối với kéo giãn cột sống cổ:

+  Đau tăng đột ngột vùng kéo.

+ Cảm giác choáng váng, nhịp tim nhanh hơn do kích thích thần kinh thực vật dọc cột sống, đặc biệt là cột sống cổ. Thay đổi huyết áp do phản xạ.

– Đối với kéo giãn cột sống thắt lưng:

+  Đau tăng đột ngột vùng kéo.

+ Tê chi trên nếu phần cố định phía trên ép vào nách có thể gây chèn ép bó mạch thần kinh ở nách.

+ Đau cấp tính đột ngột sau kéo.

+ Đau tăng vùng cột sống thắt lưng sau lần kéo đầu tiên.

– Đối với cả hai phương pháp đều có thể xảy ra trường hợp tuột đai cố định và đứt dây kéo.

2. Xử trí

– Đối với kéo giãn cột sống cổ:

+ Đối với trường hợp đau tăng đột ngột vùng kéo, dừng kéo, cho bệnh nhân nằm nghỉ tại chỗ đến khi hết đau.

+ Phải cho bệnh nhân nằm nghỉ 10 – 15 phút tại giường sau kéo.

–  Đối với kéo giãn cột sống thắt lưng:

+ Nếu đau tăng đột ngột vùng kéo thì dừng kéo, cho bệnh nhân nằm nghỉ tại chỗ đến khi hết đau.

+ Nên cố định bằng đai thắt lưng ngực sẽ không xảy ra hiện tượng tê chi trên.

+ Trong trường hợp đau cấp tính đột ngột sau kéo, cho bệnh nhân nằm trở lại giường kéo, tiến hành kéo ở chế độ liên tục với lực kéo bằng 2/3 lực kéo ban đầu, sau đó cứ 5 phút giảm lực kéo đi  4 – 5 kg lực cho đến khi hết đau.

+ Phải cho bệnh nhân nằm nghỉ từ 10 – 15 phút tại giường sau kéo.

+ Nếu bệnh nhân đau nhiều ở lần kéo sau thì giảm lực ở lần kéo tiếp theo, nếu vẫn đau tăng thì dừng kéo.

3. Dự phòng

– Kiểm tra cẩn thận phương tiện kéo giãn trước khi kéo.

– Cố định đai kéo phù hợp với vùng điều trị.

– Theo dõi chặt chẽ bệnh nhân trong thời gian kéo.

–  Phải cho bệnh nhân nằm nghỉ 10 – 15 phút tại giường sau kéo.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Nội dung được bảo vệ quyền tác giả !!