I. THƯƠNG TẬT THỨ PHÁT
1. Khái niệm về thương tật thứ phát
Thương tật thứ cấp là các khiếm khuyết xảy ra sau một bệnh khác do người bệnh phải nằm lâu, bất động, thiếu chăm sóc hoặc chăm sóc không đúng cách. Các thương tật thứ cấp như: loét do đè ép, teo cơ, cứng khớp, viêm phổi do ứ đọng, viêm đường tiết niệu, các biến chứng về tim mạch và loãng xương.
2. Loét do đè ép:
Da hoại tử do bị đè ép quá lâu, máu không lưu thông đến được.Những vị trí loét thường gặp:
– Xương cùng
– Mấu chuyển lớn
– Ụ ngồi
– Xương gót chân
– Xương mắt cá
Hình 2: Các vị trí loét do đè ép thường gặp
3. Viêm phổi do ứ đọng
– Thường gặp ở những người bệnh sau phẫu thuật lồng ngực, ổ bụng.
– Người bệnh hôn mê bất tỉnh, bất động lâu ngày thường xảy ra biến chứng viêm phổi do ứ đọng đờm dịch không được đào thải ra ngoài.
4. Teo cơ, cứng khớp, biến dạng khớp
4.1 Teo cơ
Có 2 loại teo cơ: Teo cơ vì mất thần kinh và Teo cơ do không cử động.
* Teo cơ vì mất thần kinh: Đây là trường hợp không còn thần kinh chi phối. Loại teo này nghiêm trọng và không thể phục hồi lại bằng cách tập luyện, phải can thiệp phẫu thuật nối thần kinh.
* Teo cơ do không cử động: Cơ không cử động một thời gian dài sẽ bắt đầu teo và yếu đi, trường hợp này nếu được tập luyện thì cơ đó sẽ khỏe và to dần lên.
4.2 Cứng khớp và co rút gân cơ
Cứng khớp và co rút gân cơ xảy ra khi người bệnh bất động lâu ở một tư thế như: Liệt thần kinh, bó bột, sẹo sau bỏng…
5. Viêm đường tiết niệu
– Thường gặp ở người bệnh có rối loạn cơ tròn, đặt ống sonde, lưu sonde.
– Người bệnh bất động lâu ngày cũng có nhiều nguy cơ tạo sỏi tiết niệu, từ đó gây viêm nhiễm.
6. Loãng xương
– Là xương mềm yếu và có nhiều lỗ hơn sau khi mất chất vôi.
– Người bệnh nằm lâu không cử động sẽ bị loãng xương đặc biệt những người lớn tuổi.
– Sau khi bị gãy xương, người bệnh cần bó bột, lâu ngày không hoạt động cũng sẽ bị loãng xương.
– Bài tiết quá nhiều chất vôi tạo ra nhiều sỏi hệ tiết niệu.
– Hậu quả cuối cùng là gãy xương
7. Các biến chứng về tim mạch
– Hạ huyết áp tư thế.
– Giảm hoạt động của tim.
– Phân phối thể tích máu giảm.
– Viêm tắc mạch máu do huyết khối.
II. CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA
1. Nguyên tắc
Hầu hết các thương tật thứ cấp có thể phòng ngừa được nếu được phát hiện và can thiệp sớm, xử lý tốt nguyên nhân và áp dụng các kỹ thuật vị thế.
2. Các bài tập vận động
– Thụ động.
– Có trợ giúp.
– Chủ động.
– Dụng cụ trợ giúp.
– Tạo thói quen hàng ngày: kiểm tra da, dụng cụ…
3. Đề phòng loét do đè ép
– Lăn lật người bệnh ít nhất 2h/ lần.
– Đặt tư thế trị liệu (kỹ thuật vị thế).
– Sử dụng đệm hơi, đệm nước.
– Tập vận động thụ động, chủ động.
– Vệ sinh sạch sẽ, giữ khô vùng da tiếp xúc.
– Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ.
4. Đề phòng viêm phổi do ứ đọng
– Tập thở trợ giúp hoặc chủ động.
– Dẫn lưu tư thế.
– Vỗ rung lồng ngực.
– Tập ho có hiệu quả.
5. Đề phòng teo cơ, cứng khớp, biến dạng khớp
– Tư thế trị liệu (kỹ thuật vị thế).
– Tập luyện thụ động, chủ động có trợ giúp.
– Chế độ dinh dưỡng đầy đủ.
6. Đề phòng viêm đường tiết niệu
– Đảm bảo chế độ vô khuẩn khi làm thủ thuật liên quan đến đường tiết niệu.
– Vệ sinh sạch sẽ nhất là vùng tiết niệu, sinh dục.
– Uống nhiều nước, tăng cường Vitamin.
– Tập luyện thụ động, chủ động.
8. Đề phòng viêm tắc động mạch, tĩnh mạch do huyết khối
– Vận động thụ động các khớp ở ngọn chi sớm trong những ngày đầu của quá trình tập luyện.
– Bài tập tăng tiến khi tình trạng người bệnh dần ổn định.
– Kê cao chi bị viêm tắc. – Áp dụng bài tập Buerger-Allen
9. Ngừa loãng xương
– Tập vận động.
– Chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ.
III. CÁC BÀI TẬP THEO TẦM VẬN ĐỘNG
1. Tập vận động thụ động
Chỉ định: Cơ lực bậc 0- 1
Mục đích:
– Duy trì sự nguyên vẹn của khớp và mô mềm.
– Hạn chế tối thiểu hình thành co rút.
– Duy trì tính đàn hồi cơ học của cơ.
– Trợ giúp tuần hoàn và sức bền thành mạch.
– Tăng cường lưu thông của dịch khớp để nuôi sụn và sự thẩm thấu của các chất trong khớp.
– Giảm hoặc ức chế đau.
– Giúp quá trình lành bệnh sau chấn thương hay phẫu thuật.
2. Tập chủ động có trợ giúp
Chỉ định: cơ lực bậc 2
Mục đích
– Tăng sức mạnh cơ và lập mẫu cử động điều hợp.
– Tăng cường sự đáp ứng về tuần hoàn, hô hấp.
3. Tập chủ động
Chỉ định: cơ lực bậc 3.
Chống chỉ định :
– Trong mọi trường hợp khi vận động của phần đó ngăn trở quá trình lành bệnh.
– Tình trạng tim mạch của người bệnh không ổn định, tập chủ động có thể đe doạ đến tính mạng của người bệnh như: ngay sau khi nhồi máu cơ tim, suy tim…
4. Tập kháng trở
Chỉ định:cơ lực bậc 4- 5
Mục đích:
– Tăng sức mạnh của cơ.
– Tăng sức bền của cơ.
Chống chỉ định và phòng ngừa:
– Thận trọng khi có bệnh lý tim mạch, bệnh nhân cao tuổi, quá mệt mỏi, tập quá sức, cử động thay thế, loãng xương…
– Chống chỉ định khi có viêm nhiễm, đau nhiều
5. Tập kéo giãn
Chỉ định:
– Khi tầm vận động bị hạn chế do hậu quả của co rút, dính khớp và hình thành sẹo tổ chức, dẫn đến các cơ, tổ chức liên kết và da bị ngắn. – Đề phòng các co rút gây biến dạng cấu trúc.
Mục đích:
–Thiết lập lại tầm hoạt động của khớp và vận động của tổ chức mềm quanh khớp.
– Đề phòng co rút vĩnh viễn, tăng tính mềm dẻo của phần cơ thể, đề phòng các tổn thương gân.
6. Tập trên đệm
Tập thay đổi tư thế từ nằm ngửa- nghiêng- sấp và ngược lại. Tập thăng bằng khi ngồi, di chuyển, tập mạnh các cơ lưng, bụng, tập điều hợp và khéo léo, tập với bóng…
7. Tập trong thanh song song (với nẹp hoặc không nẹp):
Tăng sức chịu đựng khi đứng, thăng bằng, tập mạnh chi trên, kiểm soát khung chậu, sử dụng chân giả, tập dáng đi cơ bản.
8. Tập thăng bằng với nạng (có hoặc không có nẹp):
Tập thăng bằng bên- bên, trước- sau, tập kiểm soát khung chậu, tập đi nạng theo các hướng, tập sử dụng nẹp, tập lên xuống cầu thang, tập ngã..
9. Tập di chuyển
Tập dáng đi, tập di chuyển với xe lăn, nạng nẹp, tập đi nhanh, lên xuống cầu thang…
IV. HOẠT ĐỘNG TRỊ LIỆU :
Tùy theo các loại khiếm khuyết, giảm chức năng sẽ có các bài hoạt động trị liệu tương ứng.
KẾT LUẬN
Thông thường chỉ chú trọng cứu sống người bệnh mà ít để ý đến thương tật thứ cấp. Thực tế thương tật thứ cấp gây ra rất nhiều bất hạnh cho người bệnh.
Phòng ngừa thương tật thứ cấp là một phương pháp quan trọng của phục hồi chức năng, cần được thực hiện thật sớm mọi nơi, mọi lúc ở các cơ sở điều trị.
Phục hồi chức năng sớm đóng vai trò quan trọng giúp phòng ngừa biến chứng, sự phục hồi của người bệnh nhanh hơn, hiệu quả hơn, giảm thiểu hoặc phòng ngừa được các di chứng cho người bệnh.
Để công tác phục hồi chức năng đạt kết quả tốt cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa khoa lâm sàng và khoa/đơn vị phục hồi chức năng.
Phục hồi chức năng phải được thực hiện sớm ngay khi có thể và cần có sự tham gia của người bệnh, thân nhân người bệnh với sự hướng dẫn cẩn thận và giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Giáo trình tập huấn Handicap International 2006.
- Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng- giáo trình giảng dạy đại học và sau đại học- Bộ môn Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng. Học viện Quân y. NXB Quân đội nhân dân 2003.
- Vật lý trị liệu- Phục hồi chức năng. Hội phục hồi chức năng Việt Nam. NXB y học 1995.
- Phục hồi chức năng vận động cho bệnh nhân tai biến mạch máu não. Tài liệu tập huấn đề án Phục hồi chức năng dựa vào công đồng Vinareha- Aifo (Việt Nam- Italia) 1997.
- Phục hồi chức năng cho bệnh nhân liệt nửa người do tai biên mạch máu não- PGS.TS.BSCC Trần Văn Chương. NXB y học 2010.