Nguyên tắc thực hiện các bài tập vận động cho trẻ phải tuân theo thứ tự của các mốc phát triển về vận động thô của trẻ, đó là: Kiểm soát đầu cổ – Lẫy – Ngồi – Quỳ – Bò – Đứng – Đi – Chạy. Các bài tập vận động cơ bản như sau:
Bài tập 1: Tập vận động các khớp ở tư thế nằm ngửa:
– Chỉ định:Tất cả các trẻ bại não có rối loạn vận động. – Kỹ thuật: Đặt trẻ nằm ngửa: đầu, thân mình, chân tay thẳng. Người tập thực hiện vận động các khớp theo tầm vận động của từng khớp đó. – Kết quả mong muốn: Trẻ không kháng lại các vận động của người tập. |
Bài tập 2: Tập nâng đầu trẻ ở tư thế nằm sấp
– Chỉ định:Trẻ bại não giữ đầu cổ kém. – Kỹ thuật: Đặt trẻ nằm sấp trên giường hoặc trên đùi người tập, hai tay trẻ chống xuống giường hoặc trên sàn nhà. Hai tay người tập đặt trên hai vai trẻ, ấn xuống từ từ, rồi chuyển một tay giữ vai, một tay đặt trên đầu trẻ và đẩy nhẹ về phía sau. – Kết quả mong muốn: Trẻ dồn trọng lượng lên hai tay ở tư thế gập rồi duỗi khuỷu để đầu nâng lên. |
Bài tập 3: Tập nâng đầu trẻ ở tư thế nằm sấp trên gối tròn
– Chỉ định: Trẻ bại não giữ đầu cổ kém. – Kỹ thuật:Đặt trẻ nằm sấp trên gối tròn (khăn, chăn cuộn tròn), hai tay chống xuống giường. Hai tay người tập đặt trên hai vai trẻ và ấn xuống. Di chuyển trẻ về phía trước rồi ra phía sau, sau đó tập cho trẻ chống một tay và giơ tay kia lên để lấy đồ chơi. – Kết quả mong muốn:Trẻ dồn trọng lượng lên hai tay đang duỗi thẳng, bàn tay xoè, đầu nâng lên. |
Bài tập 4. Tạo thuận nâng đầu trẻ bằng tay
– Chỉ định: Trẻ bại não giữ đầu cổ kém. – Kỹ thuật: Đặt trẻ nằm sấp ở tư thế gập háng và gối. Một tay người tập đặt trên mông trẻ, dùng ngón trỏ và ngón giữa tay kia ấn day dọc theo hai bên đốt sống từ cổ xuống thắt lưng. – Kết quả mong muốn: Trẻ nâng đầu lên và duỗi thẳng thân mình. |
Bài tập 5. Tập nâng đầu trẻ ở tư thế nằm sấp trên bàn nghiêng
– Chỉ định: Trẻ bại não giữ đầu cổ kém. – Kỹ thuật: Đặt trẻ nằm sấp trên bàn nghiêng, hai tay chống xuống sàn nhà. Đặt vài đồ chơi phía trước, hướng dẫn trẻ giơ một tay lấy đồ chơi. – Kết quả mong muốn: Trẻ dồn trọng lượng lên hai tay rồi nâng đầu lên, lấy đồ chơi bằng một tay trong khi tay kia vẫn chống xuống sàn nhà. |
Bài tập 6. Kỹ thuật tập gập đầu – cổ trẻ bằng tay ở tư thế nằm ngửa
– Chỉ định: Trẻ bại não thường luôn ưỡn đầu ra sau. – Kỹ thuật: Đặt trẻ nằm ngửa. Người tập đặt hai bàn tay dưới gáy, hai khuỷu tay ấn nhẹ vào hai bên vai trẻ để làm gập cổ trẻ về phía trước. – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể gập cổ và thư dãn toàn thân. |
Bài tập 7. Tập gập đầu cổ trẻ ở tư thế nằm ngửa trên võng
– Chỉ định: Trẻ bại não thường ưỡn đầu ra sau. – Kỹ thuật: Đặt trẻ nằm ngửa trên võng trong khi chơi và cả trong khi ngủ. – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể gập cổ và thư giãn. |
Bài tập 8. Tập lẫy cho trẻ từ tư thế nằm ngửa
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa lật ngửa sang sấp được. – Kỹ thuật: Đặt trẻ nằm ngửa, chân duỗi; người tập gấp một chân trẻ và nhẹ nhàng đưa chéo qua phía trước sang phía bên kia đến khi trẻ nằm nghiêng, sau đó từ từ đẩy thêm trẻ sang bên đó và đợi trẻ tự lật sấp. – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể phối hợp lật nghiêng người từ nằm ngửa sang nằm sấp. |
Bài tập 9. Kỹ thuật điều chỉnh tư thế bất thường ở hai chân của trẻ
– Chỉ định: Trẻ bại não có hai chân luôn khép mạnh – Kỹ thuật: Đặt trẻ nằm ngửa, người tập nắm hai tay sát dưới gối, sau đó từ từ xoay khớp háng ra ngoài, rồi dạng khớp háng hai bên để tách hai chân trẻ ra. – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể dạng khớp háng, duỗi khớp gối và xoay cẳng chân ra ngoài. |
Bài tập 10. Kỹ thuật điều chỉnh tư thế bất thường ở khớp cổ chân của trẻ
– Chỉ định: Trẻ bại não bị bàn chân duỗi cứng (bàn chân thuổng). – Kỹ thuật: Đặt trẻ nằm ngửa, người tập dùng một tay cố định trên khớp gối, tay kia kéo dãn gân gót bằng các ngón tay và dùng lòng bàn tay để đẩy bàn chân trẻ từ từ về vị trí gập mu bàn chân. – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể gập mu bàn chân. |
Bài tập 11. Kỹ thuật điều chỉnh tư thế bất thường ở hai tay của trẻ
– Chỉ định: Trẻ bại não bị gập khuỷu và quay sấp cẳng tay. – Kỹ thuật: Đặt trẻ ngồi, người tập làm theo hai cách: + Cách 1: Người tập dùng hai tay cố định dưới khớp khuỷu của trẻ sau đó từ từ đưa hai tay trẻ lên trên, ra trước rồi xoay khớp vai ra ngoài và kéo về phía trước. |
+ Cách 2: Người tập dùng một tay cố định dưới khuỷu, một tay nắm lấy bàn tay trẻ sau đó từ từ dạng tay trẻ sang bên và đưa lên trên. – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể đưa hai tay ra trước, duỗi khuỷu và xoay ngửa cẳng tay, gập mu bàn tay trong khi đầu giữ vững ở vị trí trung gian. |
Bài tập 12. Kỹ thuật điều chỉnh tư thế bất thường ở tay trẻ bại não thể múa vờn
– Chỉ định: Trẻ bại não không đưa hai tay ra trước được. – Kỹ thuật: Đặt trẻ ngồi, người tập dùng hai bàn tay cố định dưới khớp khuỷu của trẻ sau đó từ từ nâng tay trẻ lên trên, và xoay khớp vai vào trong rồi kéo về phía trước. – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể đưa tay ra phía trước, duỗi khuỷu và ngửa cẳng tay trong khi đầu gập về trước, lưng không ưỡn ra sau |
Bài tập 13. Tập cho trẻ ngồi dậy từ tư thế nằm ngửa
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa ngồi dậy được. – Kỹ thuật: Đặt trẻ nằm ngửa, người tập dùng hai tay đưa vai trẻ ra phía trước trong khi khuỷu tay duỗi và từ từ kéo trẻ ngồi dậy. – Kết quả mong muốn: Trẻ nâng đầu lên khi được kéo ngồi dậy. |
Bài tập 14. Tập thăng bằng cho trẻ ở tư thế ngồi trên sàn nhà, hoặc trên ghế
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa giữ được thăng bằng khi ngồi – Kỹ thuật: Đặt trẻ ngồi trên sàn nhà, trên ghế, người tập dùng hai tay cố định hai đùi trẻ, sau đó đẩy nhẹ thân trẻ sang bên, ra trước, ra sau để trẻ tự điều chỉnh thân mình để giữ thăng bằng ngồi. – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể điều chỉnh thân mình để giữ thăng bằng khi ngồi. |
Bài tập 15. Tập cho trẻ ngồi dậy từ tư thế nằm sấp trên sàn tập
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa ngồi dậy được từ tư thế nằm sấp. – Kỹ thuật: Đặt trẻ nằm sấp trên sàn tập, một tay người tập cố định trên mông , tay kia cố định vào dưới nách trẻ. Sau đó từ từ kéo háng trẻ lên, ra sau và ấn xuống trong khi tay ở dưới nách hỗ trợ bằng cách kéo ra trước và lên trên. – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể biết cách sử dụng cơ nâng đầu cổ thân mình và tay để ngồi dậy |