Bài tập 16. Tập thăng bằng ở tư thế trẻ ngồi trên người tập
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa giữ được thăng bằng khi ngồi. – Kỹ thuật: Đặt trẻ ngồi dạng hai chân trên bụng, lưng tựa vào đùi người tập. Người tập nắm hai tay trẻ duỗi thẳng sau đó lần lượt nghiêng hai chân của mình sang hai bên để trẻ phải tự điều chỉnh giữ thăng bằng đầu cổ, thân mình và ngồi thẳng lại. – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể điều chỉnh thân mình để giữ thăng bằng và ngồi thẳng. |
Bài tập 17. Tập cho trẻ ngồi duỗi thẳng chân
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa tự ngồi được. – Kỹ thuật: Đặt trẻ ngồi trên sàn nhà, hai chân dạng , duỗi thẳng. Người tập ấn hai tay lên 2 đùi, hoặc ngồi phía sau cố định đùi trẻ. – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể điều chỉnh thân mình để giữ thăng bằng ngồi và dùng hai tay để cầm đồ chơi. |
Bài tập 18. Tập cho trẻ ngồi trên ghế
– Chỉ định: Trẻ bại não đã có thể giữ thăng bằng ở tư thế ngồi. – Kỹ thuật: Đặt trẻ ngồi trên ghế, lưng thẳng, khớp háng và khớp gối vuông góc, bàn chân đặt chắc chắn trên sàn nhà. – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể điều chỉnh thân mình để giữ thăng bằng khi ngồi trên ghế và dùng hai tay để cầm đồ chơi. |
Bài tập 19. Tạo thuận cho trẻ tập quỳ bốn điểm
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa biết bò – Kỹ thuật: Đặt trẻ quỳ trên hai gối và chống trên hai tay. Người tập dùng hai tay giữ thân mình của trẻ hoặc dùng một gối tròn hỗ trợ trẻ nâng thân khi trẻ quỳ. Hướng dẫn trẻ nhặt đồ chơi bằng từng tay rồi bỏ bảo rổ đựng. – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể quỳ bốn điểm khi có hỗ trợ. |
Bài tập 20. Tạo thuận cho trẻ tập bò trên đùi người tập
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa biết bò – Kỹ thuật: Đặt trẻ quỳ trên đùi người tập, chân dưới gấp, chân trên duỗi thẳng. Người tập dùng một tay cố định trên mông trẻ, tay kia giữ bàn chân, sau đó đẩy nhẹ vào gót chân trẻ về phía trước và hỗ trợ nâng thân trẻ lên bằng đùi người tập khi trẻ bò – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể giữ thẳng chân phía trên, thân mình thẳng chuẩn bị tập bò. |
Bài tập 21. Tạo thuận cho trẻ từ ngồi sang quỳ trên hai gối
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa biết quỳ hai điểm từ tư thế ngồi. – Kỹ thuật: Đặt trẻ ngồi nghiêng một bên trên sàn nhà, người tập dùng hai tay giữ nhẹ hai bên hông trẻ. Khuyến khích trẻ quỳ trên hai gối bằng cách giơ đồ chơi lên phía trên đầu trẻ để trẻ quỳ hai gối và với lấy đồ chơi. – Kết quả mong muốn: Trẻ có khả năng giữ thăng bằng thân mình ở tư thế quỳ hai điểm trên hai gối. |
Bài tập 22. Tạo thuận cho trẻ đứng dậy từ tư thế ngồi
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa tự đứng dậy được. – Kỹ thuật: Đặt trẻ ngồi trên một đùi người tập, người tập dùng hai tay giữ ở hai gối trẻ sau đó ấn mạnh xuống hai gối trẻ rồi bỏ tay ra. Làm như vậy vài lần rồi gấp gối trẻ lại và đẩy thân trẻ ra trước sao cho đầu trẻ đưa ra phía trước gối. – Kết quả mong muốn: Trẻ có khả năng đứng dậy từ tư thế ngồi. |
Bài tập 23. Tập thăng bằng có trợ giúp cho trẻ ở tư thế quỳ trên hai gối
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa biết quỳ trên hai gối. – Kỹ thuật: Đặt trẻ quỳ hai gối trên sàn nhà; người tập quỳ phía sau, dùng hai tay giữ hai bên hông trẻ rồi đẩy nhẹ trẻ ra phía trước và phía sau để trẻ tự điều chỉnh và lấy lại thăng bằng. – Kết quả mong muốn: Trẻ có khả năng giữ thăng bằng thân mình khi quỳ hai điểm trên hai gối. |
Bài tập 24. Tập cho trẻ chuyển trọng lượng ở tư thế quỳ hai điểm
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa biết giữ thăng bằng ở tư thế quỳ trên hai gối. – Kỹ thuật: Đặt trẻ quỳ trên hai gối trước một cái bàn ngang mức ngực trẻ. Người tập đặt hai tay ở hai bên hông trẻ rồi nhẹ nhàng đẩy hông trẻ sang từng bên sao cho trọng lượng của trẻ được lần lượt dồn từ bên này sang bên kia. Lưu ý không cho trẻ gập khớp háng. – Kết quả mong muốn: Trẻ có khả năng chuyển và dồn trọng lượng từ bên này sang bên kia ở tư thế quỳ hai điểm mà không mất thăng bằng. |
Bài tập 25. Tập thăng bằng cho trẻ ở tư thế quỳ một chân
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa giữ được thăng bằng ở tư thế quỳ một chân. – Kỹ thuật: Đặt trẻ quỳ trên gối phải, người ngả nhẹ ra phía sau và sang trái để giữ cho chân phải đưa ra trước. Người tập quỳ phía sau trẻ và dùng hai tay giữ hai bên hông trẻ để cố định khi cần giúp trẻ giữ thăng bằng. Khuyến khích trẻ với tay ra phía trước, sang hai bên để lấy đồ chơi. – Kết quả mong muốn: Trẻ có khả năng giữ thăng bằng ở tư thế quỳ một chân trong lúc vui chơi. |
Bài tập 26. Tập cho trẻ đứng trong bàn tập đứng
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa biết đứng. – Kỹ thuật: Đặt trẻ nằm sấp trên bàn tập đứng với hai chân cách nhau rộng hơn vai, đai cố định ở gối, háng và ngực trẻ. Sau đó nghiêng bàn đứng tựa cạnh bàn tập, đặt một vài đồ chơi trên bàn tập và khuyến khích trẻ với tay ra phía trước, sang hai bên để lấy đồ chơi. – Kết quả mong muốn: Trẻ có khả năng giữ thăng bằng ở tư thế đứng trong bàn tập đứng. Trong lúc chơi: hai chân duỗi thẳng (khớp gối duỗi thẳng) bàn chân đặt vuông góc xuống sàn nhà. |
Bài tập 27. Tập cho trẻ đứng giữa hai cột có đai cố định
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa biết đứng. – Kỹ thuật: Đặt trẻ đứng giữa hai cột với hai bàn chân cách nhau rộng hơn vai, dùng đai cố định ở gối, háng và ngực trẻ. Hướng dẫn trẻ đưa tay lấy đồ chơi trên bàn – Kết quả mong muốn: Trẻ có khả năng giữ thăng bằng ở tư thế đứng trong lúc chơi: hai chân duỗi thẳng, bàn chân đặt vuông góc xuống sàn nhà. |
Bài tập 28. Tạo thuận cho trẻ tập dồn trọng lượng lên từng chân
– Chỉ định: Trẻ bại não có thăng bằng đứng chưa tốt. – Kỹ thuật: Đặt trẻ đứng bám vào tường hoặc bàn với hai chân rộng hơn vai. Người tập yêu cầu trẻ co một chân lên để trọng lượng dồn vào chân còn lại (trợ giúp hai bên hông khi cần) sau đó làm lại như vậy với chân bên kia. – Kết quả mong muốn: Trẻ có khả năng dồn trọng lượng lần lượt lên mỗi chân khi đứng. |
Bài tập 29. Tập cho trẻ đi trong thanh song song
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa tự đi được. – Kỹ thuật: Đặt trẻ đứng, hai bàn chân rộng ngang vai, hai tay bám vào hai thanh song song . Người tập trợ giúp hai bên hông khi cần và hướng dẫn trẻ bước đi bằng cách lần lượt co một chân lên để trọng lượng dồn vào chân bên kia khi bước đi. – Kết quả mong muốn: Trẻ có khả năng dồn trọng lượng lần lượt lên từng chân khi bước đi. |
Bài tập 30. Tập cho trẻ đi với khung đi
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa tự đi được. – Kỹ thuật: Đặt trẻ đứng bám hai tay vào khung đi với hai bàn chân cách nhau khoảng rộng bằng vai. Người tập trợ giúp hai bên hông khi cần và hướng dẫn trẻ bước đi bằng cách lần lượt co một chân lên để trọng lượng dồn vào chân bên kia khi bước đi. – Kết quả mong muốn: Trẻ có thể dồn trọng lượng lần lượt lên từng chân khi bước đi bằng khung tập đi. |
Bài tập 31. Tập cho trẻ đi bằng nạng nách
– Chỉ định: Trẻ bại não chưa tự đi được. – Kỹ thuật: Đặt trẻ đứng tựa lên hai nạng nách với hai bàn chân rộng hơn vai. Người tập hướng dẫn trẻ đưa hai nạng ra trước, sau đó bước chân để đi hoặc đu người theo. Theo nguyên tắc như vậy tiếp tục tập cho trẻ đi bằng nạng khuỷu, bằng gậy, cuối cùng là tự bước đi không cần dụng cụ trợ giúp. – Kết quả mong muốn: Trẻ có khả năng điều chỉnh thăng bằng khi đu người hoặc bước đi với nạng, gậy và tự đi không cần dụng cụ trợ giúp sau này. |